Hung thủ bật khóc...

Nói lời sau cùng, Nguyễn Đức Nghĩa khiến cả phòng xử lặng đi. Xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi… là điều bị cáo muốn gửi gắm. Rời tòa, mỗi người tham dự mang những cảm xúc trái chiều…


Dẫn giải bị cáo Nghĩa

"Tôi sẽ không bao giờ kháng án...”

Ông Ba đại diện cho nạn nhân tại tòa

Phút cuối của phiên xử, Nguyễn Đức Nghĩa. Vẫn cái giọng bình thản nhưng có những giây phút nghẹn ngào. Sự thổn thức của kẻ "tội đồ" khiến nhiều người dự tòa tạm quên đi sự ghê sợ với bị cáo:

"Kính thưa HĐXX, đại diện VKSND TP Hà Nội, các luật sư, chú Ba, bác Thành và cha mẹ!

Tôi xin nhận tội một lần nữa, nhận tất cả những tội ác của mình. Tôi đã giết người, cướp tài sản. Dẫu muộn màng nhưng tôi muốn gửi lời tạ tội trước vong hồn của Linh, bạn bè và cả thân nhân của Linh nữa. Họ đã tổn thất quá kinh khủng vì những điều tôi gây ra. Nhân đây, tôi cũng xin lỗi gia đình Yến, vì mọi người đã tin tưởng tôi. Đau buồn hơn là tôi còn làm cho Yến vướng vào lao lý. Con cũng xin lỗi bố mẹ, từ tháng ngày được sinh ra đến giờ, bố mẹ luôn dành cho con những gì tốt nhất có thể. Vậy mà, giờ phút này, con phản bội lại bố mẹ. Xin lỗi tất cả mọi người có mặt ngày hôm nay - những ai quan tâm đến vụ án - lời xin lỗi chân thành. Tôi khẳng định, dù cho bản án mà sắp tới HĐXX có phán xét tôi thế nào chăng nữa, tôi sẽ không bao giờ kháng án để xin giảm hình phạt. Mức án nào với tôi đều là quá nhẹ. Tôi dù bị tử hình nhiều lần cũng không xứng. Chỉ mong, với mức án cao nhất mà tôi bị tuyên sẽ giảm bớt bức xúc cho gia đình chú Ba và cả dư luận. Giây phút đền tội của tôi đã qua, mong rằng những ai đó biết đến phiên tòa này hãy nghĩ đến tôi như một con người bình thường vấp ngã trên đường đời, chứ không phải một kẻ máu lạnh".

Yến cũng tỏ ra xúc động. Bị cáo cho rằng, mình kém hiểu biết pháp luật nên đã làm không đúng nghĩa vụ của một công dân. Yến mong được tha thứ để làm lại cuộc đời và day dứt vì khiến những người trong gia đình muộn phiền. "Họ không đáng phải chịu như vậy" - Yến chua chát nói.

Dự tòa, nghe xử con trai, bố mẹ Nghĩa đau lòng, khóc cạn nước mắt. Họ ngồi khiêm tốn ở hàng ghế dưới và tránh mọi ánh mắt dè bỉu. Hai tháng nay, mẹ Nghĩa không một giấc ngủ ngon, lúc nào cũng đau đáu về con...

Đổ lỗi cho "Ghen tuông"

- Em biết anh giết ai không?

Khi Yến hỏi, Nghĩa đã trả lời bằng một câu hỏi lại. Trong thâm tâm, Yến biết Nghĩa đã ra tay với người yêu cũ của mình (Linh) nhưng không nói gì.

- Anh đã giết Linh rồi!

Yến chưa từng biết mặt nạn nhân nhưng Yến biết Linh vì Nghĩa từng nhắc tên. "Phải tới đêm 17-5-2010, qua "chát", tôi mới biết sự thật" - Yến nói. Cô gái này mang khuôn mặt ủ rũ suốt phiên xử. Tại CQĐT, Yến từng khai, vì yêu Nghĩa nên không nghĩ Nghĩa có hành vi thú tính thế.

Nghĩa và Yến đã khóc khi nói lời sau cùng

Ngôi nhà (hiện trường vụ án) là do mẹ của Yến mua. Mỗi khi đi dài ngày, bị cáo thường giao chìa khóa cho Nghĩa. Trở về nhà sau chuyến đi, Yến thấy có vết sơn lạ. Nghĩa nói, vì lắp điều hòa bị bẩn tường nên sơn lại và Yến không chút nghi ngờ. Nhà mất một con dao nhọn, Yến hỏi, Nghĩa bảo nó bị cùn và đã vứt đi. Khi đó, Yến không có chút linh cảm gì. Chỉ lúc biết có xác chết ở khu nhà, xâu chuỗi sự kiện, Yến mới sinh nghi.

Còn Nghĩa, không chút lúng túng, bị cáo bình thản kể về cuộc đời mình và hành trình tội lỗi: "Tôi sinh ra ở Hải Dương, sinh năm 1990 thì chuyển về sinh sống ở Hải Phòng. Đến giờ tôi chưa được nhận bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương vì phải bảo lưu một năm học do bị ốm. Không phải tôi không quan tâm đến việc học hành". Nghĩa cho hay, mấy năm học tập ở Hà Nội, gia đình không để bị cáo túng thiếu; thậm chí, dư một ít tiền, Nghĩa còn dùng để chơi game, cá độ bóng đá. Năm 2008, hết khóa học, tiền bố mẹ gửi ít đi. Bị cáo thừa nhận, nhiều lần cầm cố tài sản (trong đó có chiếc xe máy của Yến) để lấy tiền trả nợ.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng với Linh là do Nghĩa chủ động gọi. Nghĩa nói, Linh còn mê game hơn cả mình. Vì thế, Nghĩa đã bảo Linh mang theo máy tính xách tay để chơi điện tử. Bị cáo cho rằng, không nhằm mục đích cướp tài sản ngay từ đầu. Xảy ra nông nỗi này, Nghĩa đổ cho thói ghen tuông của mình. Bị cáo khai, rất giận khi biết Linh đến với mình chỉ vì thể xác. Khi đến, Linh nói, cô đơn và không có người yêu. Vậy mà, trong lúc chơi, có ai đó gọi điện nhiều lần nhưng Linh không trả lời. Nghĩa đã gặng hỏi, cuối cùng cũng biết, Linh có người yêu và anh ta đang ở TP HCM. Cho rằng mình bị lừa dối, Nghĩa đã đâm nạn nhân.

"Tôi chỉ đâm một nhát khi Linh đang quay mặt ra phía cửa sổ. Linh đã hét một tiếng yếu ớt và nhìn tôi với ánh mắt bàng hoàng. Tôi ôm Linh và cảm thấy cô ấy run rẩy". Nhưng, HĐXX quả quyết, biên bản giám định pháp y cho thấy, Linh bị hai vết thương ở lưng. Cãi lại tòa, Nghĩa nói: "Dáng vóc của Linh nhỏ bé, tôi thì cao to. Có thể lúc ôm nạn nhân, con dao bị cáo cầm tay đã gây ra vết thương thứ hai".

Đại diện cho con gái tại tòa, ông Ba quá đau lòng. Cất giọng nhỏ nhẹ, ông bố này cho hay, dù thi thể con gái nát vụn, ông vẫn nhận ra. Chuỗi ngày kiếm tìm phần còn lại của Linh khiến ông và những người trong gia đình thấm đẫm nỗi đau. Nuôi hy vọng lần ra hung thủ, các mối quan hệ của Linh, ông Ba không bỏ sót người nào. Linh ra khỏi nhà, mặc quần áo gì và mang máy tính ra sao, ông Ba đều biết. "Túi đựng máy tính giặt nên cháu đã lấy khăn bông cuốn chiếc máy vi tính" - ông Ba nói.

Nhất trí với truy tố của VKSND TP về tội danh "Giết người", nhưng ở tội "Cướp tài sản", đại diện bị hại đề nghị xem xét ở khoản 4 Điều 133 BLHS.
"Man rợ" hay không "man rợ"?

Liên quan đến bản chất phạm tội của Nghĩa, luật sư và đại diện VKSND TP Hà Nội đã tranh luận "nảy lửa". Theo luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho Nghĩa), tội "Cướp tài sản" của Nghĩa không bàn cãi nhưng cần làm rõ, hành vi chiếm đoạt xuất phát từ đâu. Có ý định cướp từ trước hay khi giết người rồi mới "tiện tay dắt dê"?. Ông Thủy phân tích, giết người man rợ là hành vi tạo ra cái chết một cách man rợ. Chặt xác sau khi giết người là hành vi phi tang (sau tội phạm) chứ không phải phạm tội một cách "man rợ".

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (bào chữa cho Nghĩa) cho rằng, Nghĩa muốn chiếm đoạt tài sản của Linh thì có nhiều cách (vay mượn, tống tiền…). Nếu có âm mưu từ trước, Nghĩa đã không phải ngồi băn khoăn hàng tiếng đồng hồ bên xác nạn nhân. Vật chứng quan trọng nữa là chiếc khuyên tai bằng kim loại màu trắng. Biên bản bàn giao vật chứng nêu, ngoài đầu nạn nhân còn có một khuyên tai màu trắng. Nghĩa mà giết Linh vì tài sản thì tại sao lại bỏ qua đôi khuyên tai có giá trị này. Hai luật sư đề nghị tòa cho Nghĩa hưởng tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn khai báo, bố của Nghĩa là thương binh).

Bào chữa cho Yến, luật sư Phạm Huy Được khẳng định, từ khi Nghĩa gây án cho tới tối 17-5-2010, Yến không hay biết người yêu mình giết người. Vậy mà, cáo trạng lại mô tả: "Ngày 17-5-2010, biết có xác chết và CQCA hỏi về con dao, Yến đã biết Nghĩa là kẻ gây án nhưng lại không khai báo". 22g cùng ngày, qua "chát", Nghĩa mới thú tội và sáng 18-5-2010, Yến đã điện thoại cho Nghĩa để CQĐT lần ra chỗ Nghĩa ẩn náu. Như vậy, Yến phải là người "lập công chuộc tội". Ông Được cũng đề nghị tòa cho Yến hưởng mức án dưới khung hình phạt vì Yến cũng bị Nghĩa lợi dụng.

Trong khi đó, luật sư Phạm Xuân Dương (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại) khẳng định, Nghĩa đã đâm nạn nhân hai nhát. Nếu cho rằng, vết thương thứ hai là do va quệt thì nó không thể sâu như thế. Yến phạm tội vì đã mang chăn đi giặt và sơn lại vết sơn mà Nghĩa sơn chưa sạch.

Đối đáp với luật sư, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, giết người một cách man rợ là hành vi đem đến cái chết cho nạn nhân một cách man rợ hoặc giết người gây nên sự ghê sợ cho người khác. Ở vụ án này, hành vi chặt đầu, cắt đầu vân tay nạn nhân là hành vi đáng ghê sợ. Nghĩa phạm tội không phải nhất thời mà là hậu quả của lối sống tiêu cực. Bị cáo sống buông thả (quan hệ yêu đương lăng nhăng, chơi cờ bạc, cầm cố tài sản…). Nghĩa chưa thực sự ăn năn, tại tòa, bị cáo phản cung. Cho tới hôm nay, Nghĩa mới khai, đâm Linh trong lúc nạn nhân quay mặt về hướng cửa sổ. Vết đâm thứ hai, Nghĩa không lý giải được. Thực tế, bị cáo phải biết mình đâm trong tình huống nào. Chiếc khuyên tai mà luật sư đề cập, hồ sơ vụ án có nhưng cáo trạng không nêu, bởi lẽ: Đây là đôi hoa tai mỹ ký, không có giá trị và Nghĩa không chiếm đoạt tài sản này là điều hiển nhiên.

Đối với Yến, khi CQĐT hỏi về con dao, Yến đã nghi ngờ Nghĩa. Nếu đã nghi ngờ, bị cáo cũng phải trình báo CQCA. Nhưng ngay cả khi đã hỏi lại Nghĩa, bị cáo cũng không có động thái gì. Đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, không tố giác là "không hành động".

HĐXX ngày 14-7-2010 của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa mức án tử hình (tử hình về tội "Giết người", 6 năm tù về tội "Cướp tài sản"); ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại hơn 113 triệu đồng. Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù treo về tội "Che giấu tội phạm".

Hoa Đỗ

0 nhận xét: (+add yours?)

Đăng nhận xét