Nam Phi luôn được mô tả như một quốc gia bạo lực nhất ở Nam Phi. Một hãng du lịch Anh thậm chí đã làm quảng cáo rùng rợn cho các du khách của họ muốn đến đất nước ở cực nam của Lục địa đen: vé máy bay được tặng thêm áo giáp chống đạn!
Có lẽ ai đó khi viết ra kịch bản cho quảng cáo ấy đã nói hơi quá. Mỗi năm Nam Phi đón nhận 6 triệu khách du lịch đến đây và vũ khí duy nhất mà họ trang bị trên người là máy ảnh. Nhưng trên thực tế, những câu chuyện rùng rợn mà người ta kể cho chúng tôi nghe về các vụ cướp của giết người có vũ trang nhan nhản trong thời gian qua ở Pretoria và Johannesburg có thể khiến không ít người nghi ngờ những lời hứa hẹn của cảnh sát Nam Phi về việc cải thiện hình ảnh của đất nước này. Khi World Cup chỉ còn một ngày nữa là bắt đầu, những vấn đề về an ninh trở thành một nỗi ám ảnh thực sự. Không phải khủng bố là mối đe dọa lớn nhất, mà những sự cố an ninh thường nhật liên quan trực tiếp đến an toàn của du khách, của các CĐV, của các phóng viên và chính người dân Nam Phi mới là những vấn đề gây nên sự căng thẳng. Một phóng viên Italia, người từng gửi tôi khuyến cáo về an ninh dài những 5 trang của lãnh sự Italia ở Johannesburg, khẳng định rằng, những tuyên bố của cảnh sát về an ninh tối ưu cho World Cup trên thực tế chỉ có giá trị ở các điểm thi đấu chính của giải và người ta cũng chỉ có thể đảm bảo được đến mức ấy. Trên những con phố ở nhiều thành phố Nam Phi, trong những khu da đen, là một thế giới hoàn toàn khác. Một quan sát đơn giản nhất về những đường phố Pretoria và Johannesburg sau 7 giờ tối sẽ cho một câu trả lời: đường sá vắng tanh. Người ta sợ hãi với việc ra đường khi trời tối. Và không khu biệt thự nào thiếu hệ thống báo động cho những trường hợp bị cướp tấn công.
Đảm bảo an ninh là bài toán khó ở World Cup 2010, Ảnh Reuters |
Uy tín của họ, danh dự của họ, niềm tự hào được là quốc gia đầu tiên của Lục địa đen được đăng cai một World Cup và cơ hội ngàn vàng được cho thế giới thấy ở Nam Phi, một nền kinh tế đang lên của thế giới, người ta yêu thể thao đến mức nào và những năm tháng gắn liền với chủ nghĩa apartheid giờ đã chỉ còn là dĩ vãng xa xăm. Nhưng bản thân tổng thống Zuma cũng có những rắc rối của riêng ông: mấy năm nay, người ta nhắc đến 5 bà vợ và 21 người con của ông, cũng như những cáo buộc tham nhũng, hơn là năng lực quản lí và điều hành của ông. Những vấn đề nghiêm trọng luôn tồn tại, vì dường như người ta không thể giải quyết được, và chính từ điều ấy, mà nhiều nước đã khuyên các CĐV nên suy nghĩ kĩ trước khi đến Nam Phi cho World Cup này. Những số liệu thống kê mà chính phủ Pretoria đưa ra trong những năm qua, với sự gia tăng của tình trạng tội phạm, cho thấy người ta chỉ còn cách chung sống với bạo lực và bất an, vì đấy là một phần lịch sử của đất nước này. Bạo lực được tạo ra và phát triển trong làn sóng đấu tranh về chủng tộc với người da trắng trên hành trình hàng thập kỉ đi đến tự do và dân chủ. 50 năm của chủ nghĩa apartheid đã tạo nên sự thù hận của họ với người da trắng và khi chủ nghĩa này cáo chung, sự thù hận vẫn không kết thúc. Xu hướng là những vụ giết người da trắng tăng lên nhanh chóng trong những năm qua, chủ yếu vì xung đột quyền lợi kinh tế.
Khi đã có được sự tự do, những người da màu vẫn không chấm dứt bạo lực, bởi sự phân phối các nguồn lợi kinh tế một cách bất công như trước thời apartheid vẫn được duy trì, bởi tài sản và sự giàu có vẫn trong tay một số ít thiểu số da trắng. Một dạng apartheid mới ra đời, thay cho hình thức cũ, không phải là phân biệt da đen và da trắng mà là giữa giàu và nghèo. Việc mở cửa biên giới với các nước láng giềng đã làm tăng đáng kể tình trạng tội phạm đến từ Zimbabwe và Nigeria, những kẻ đã gây ra những vụ cướp vũ trang và hiếp dâm tàn bạo nhất. Và để đối phó với tình trạng ấy, SAP (cảnh sát Nam Phi), lực lượng được tạo ra cho World Cup này không làm bất cứ điều gì hơn, là đưa ra một serie những khuyến cáo. World Cup trở thành một giải đấu kì lạ, nơi an ninh diễn ra ở các SVĐ và bên ngoài, người ta biến những ngôi nhà thành pháo đài bảo vệ cho tính mạng của mình và cầu Chúa rủ lòng thương. 1 triệu cảnh sát, nhân viên đặc biệt, lính tráng được huy động cho cuộc chiến an ninh, mà Nam Phi muốn chiến thắng.
Hôm kia, người phát ngôn của BTC, Rich Mkhondo, khi được hỏi về vấn đề an ninh, đã nói đùa rằng, để đối phó với tình trạng mất an ninh, "chúng tôi đã có 2 triệu chiếc vuvuzela". Có lẽ ông nhầm. Những chiếc kèn nhựa có thể phát ra 120 decibel tiếng ồn ấy, trên thực tế, là nỗi thống khổ của những đôi tai.
0 nhận xét: (+add yours?)
Đăng nhận xét