Hệ lụy của nó là ngày càng có nhiều vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các nhân viên bảo vệ, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của các công ty bảo vệ làm ăn chân chính.
Theo thống kê của Bộ Công an thì đến nay, cả nước có khoảng trên 600 doanh nghiệp, với khoảng 32 ngàn nhân viên, tập trung chủ yếu ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương. Tại TPHCM, hiện đang có khoảng 280 công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, trong số đó có khoảng 50 công ty là chi nhánh của các công ty ở các tỉnh khác. TP. Hà Nội hiện cũng có tới 120 công ty đang hoạt động. Những tỉnh, thành phố nhỏ hơn như Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng... mỗi nơi cũng có ít nhất vài chục công ty. Trong những năm qua, lực lượng bảo vệ do các công ty này cung cấp đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tài sản cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số vụ phạm pháp hình sự như trộm cắp, bắt cóc tống tiền do chính các nhân viên bảo vệ, vệ sĩ ra tay với thân chủ hoặc tài sản của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ bảo vệ xảy ra càng nhiều. Dư luận vẫn còn chưa quên vụ hai nhân viên bảo vệ là Phạm Ngọc Dinh (nhân viên chi nhánh Công ty bảo vệ Zuki- Sepre 24) và nữ đồng nghiệp Danh Thị Ngọc Diệu đã tổ chức bắt cóc cháu Nguyễn Hoàng Quốc Tuấn (6 tuổi, là con của một thương nhân đang kinh doanh tại Diamond Plaza, Q1) để đòi 100.000USD tiền chuộc vào ngày 4-10-2005. Cũng may, nhờ sự truy xét tài tình mà lực lượng Công an TPHCM đã bắt được chúng sau đó bốn ngày, bảo vệ tính mạng của cháu Tuấn. Vừa qua, cặp tình nhân trên đã bị TAND TPHCM tuyên phạt 30 năm tù về tội "bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản". Vụ trộm nổi cộm và có tính chất tổ chức là vụ trộm 150 mét dây cáp điện trị giá khoảng 100 triệu đồng được gây ra bởi tám nhân viên của Công ty dịch vụ bảo vệ Thành Long được giao bảo vệ tài sản tại tòa nhà 19A Cộng Hòa, P12, Q.Tân Bình. Được biết, để thực hiện trót lọt vụ trộm, các nhân viên bảo vệ gồm: Nguyễn Hữu Trường (SN 1984, quê Bắc Ninh), Nguyễn Văn Tuyến (SN 1974, quê Thái Bình), Nguyễn Văn Lâm (SN 1989, quê Bắc Giang) đã đứng làm nhiệm vụ cảnh giới và che chắn camera cho các bảo vệ khác thực hiện hành vi lấy trộm. Tháng 2-2007, Công an Q.Bình Thạnh cũng bắt giữ bốn nhân viên của Công ty dịch vụ bảo vệ VN24 gồm Vũ Tiến Phát (SN 1986), Phạm Văn Hiền (SN 1988), Huỳnh Văn Tuấn (SN 1975) và Trần Ngọc Thảo (SN 1984, cùng ngụ Q.Bình Thạnh) vì đã cấu kết với nhau, trộm hơn 200 mét dây cáp điện tại một công trường xây dựng do chúng phụ trách bảo vệ tài sản, bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. Có thể nói, việc xảy ra ngày càng nhiều các vụ án như trên là do chất lượng dịch vụ bảo vệ đang bị thả nổi. Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên bảo vệ của một số công ty đã bị hạ thấp ngay từ đầu vào. Trước đây, thông thường các công ty chỉ tuyển dụng những nhân viên bảo vệ có tuổi đời từ 22 đến 35, đã tốt nghiệp THPT, lý lịch rõ ràng, ưu tiên cho bộ đội hoặc công an nghĩa vụ xuất ngũ... Tuy nhiên, với tình trạng khan người như hiện nay, không ít công ty đã hạ tiêu chuẩn tuyển dụng, thu nạp cả những người có trình độ mới hết lớp 9, và chi bộn tiền hoa hồng những ai giới thiệu nhân viên cho họ. Những bảo vệ được tuyển vội vàng như trên cũng không hề được đào tạo một cách bài bản. Có những công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ sau khi nhận người, đã điều họ tới nhận mục tiêu để vừa bảo vệ, vừa học việc. Sau một tháng học việc cùng với các nhân viên cũ, nhân viên mới sẽ được hưởng mức lương từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng (số tiền trên đã bao gồm cả lương cơ bản, phụ cấp trách nhiệm, tiền ăn ca ba). Đối với nhiều công ty, việc ký hợp đồng lao động theo Luật Lao động chỉ được thực hiện sau khi đã hết thời gian ba tháng thử việc. Thậm chí với một số công ty còn không hề có hợp đồng lao động, người lao động chỉ được trả lương công nhật. Đi kèm với việc thả nổi chất lượng như trên, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn dùng nhiều chiêu để giành hợp đồng như: hạ giá dịch vụ, trang bị đồng phục cho nhân viên thật bắt mắt, quảng cáo dịch vụ bằng cách "nổ" vỡ trời... để làm mờ mắt khách hàng. Giám đốc một công ty bảo vệ đã bị phá sản cho chúng tôi biết, có nhiều công ty hạ giá hợp đồng tới mức chỉ có 1,5 triệu đồng cho mỗi nhân viên. Doanh nghiệp của anh đã không thể chịu nổi nhiệt vì cái kiểu cạnh tranh không lành mạnh nên đã phải chấp nhận đóng cửa, ngừng hoạt động từ vài tháng nay bởi lẽ với mức giá hợp đồng như trên thì công ty không thể đủ để trả phụ cấp chứ chưa kể tới lương. Trong khi đó, tại những công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ uy tín, mức giá trong hợp đồng có thể lên tới 1.300USD/ vị trí (gồm ba người thay phiên nhau trực 24/24 giờ). Với giá thuê 1,5 triệu/ người như vậy thì họ chỉ có thể trả cho nhân viên tối đa khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, đồng thời "quỵt" hàng loạt các chế độ bảo hiểm, phụ cấp... để lấy tiền bù vào lương nhân viên. Theo quy luật... "tiền nào của nấy" đã có không ít người đã phải gánh thiệt hại khi giao tất cả tài sản của mình cho những công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ kém chất lượng. Điều đáng nói là những sai phạm như trên tuy phổ biến nhưng không được các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh do thiếu quá trình hậu kiểm doanh nghiệp. Đây cũng là tình trạng chung và là lỗ hổng lớn của quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp tại VN. Trên thực tế, trong thời điểm nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ cạnh tranh không lành mạnh như trên thì nhiều công ty vệ sĩ vẫn có nhiều hợp đồng yêu cầu cung cấp dịch vụ bảo vệ, được khách hàng tin tưởng do chất lượng dịch vụ cung cấp được đảm bảo. Một số công ty đã đưa ra dịch vụ vệ sĩ cao cấp để đáp ứng nhu cầu cần chất lượng chứ không cần rẻ tiền của một bộ phận khách hàng. Những công ty này trả lương rất xứng đáng cho người lao động và thắt chặt các tiêu chí tuyển dụng và đào tạo. Tham khảo thời gian đào tạo của các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ hàng đầu tại Việt Nam như Công ty bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực (Saigon Security) do ông Phạm Chí Điện - Quán trưởng võ quán Nam Chính Trực làm Tổng giám đốc, Công ty TNHH TM-DVBV Long Hải của thiếu tướng Phan Văn Xoàn - nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ...; chúng tôi được biết các công ty trên vẫn giữ nguyên thời gian đào tạo nghiệp vụ, võ thuật, thực tập các quy tắc ứng xử theo một giáo trình huấn luyện rất chặt chẽ, bài bản... trong thời gian tối thiểu hai tháng hoặc 500 tiết học liên tục. Có thể nói, thời gian học như trên là rất cần thiết, bởi nó cung cấp đủ các kỹ năng như: phòng cháy chữa cháy, bảo vệ yếu nhân, vận chuyển tiền và hàng hóa quý hiếm, công tác sơ cấp cứu... cho người nhân viên bảo vệ. Được biết, nhằm mục đích chấn chỉnh, gây dựng niềm tin với người sử dụng dịch vụ bảo vệ, bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo đảm quyền lợi của người lao động hoạt động trong các doanh nghiệp... Vừa qua, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên đã cử ông Lê Văn Kính giữ chức vụ Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ Việt Nam để đại diện xin phép Nhà nước cho phép thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, khi Nhà nước cho phép thành lập thì hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chụp giật trong lãnh vực này sẽ được chấn chỉnh.
|
Thị trường cung cấp dịch vụ bảo vệ đang bị thả nổi chất lượng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: (+add yours?)
Đăng nhận xét