Gia đình họ Trần và Thái cực quyền

Vào cuối thế kỷ 14, một người nông dân tên Trần Bốc (Chen Bu), tới cư ngụ tại một làng nhỏ thuộc huyện Ôn (Wenxian), tỉnh Hà Nam, phía Bắc sông Hoàng Hà (Huanghe). Ông là người tỉnh Sơn Tây (Shanxi), và là tổ của gia đình họ Trần. Làng mà ông tới cư ngụ sau đó được gọi là Trần Gia Câu (Chenjia Gou).

Theo vài người trong gia đình họ Trần, môn võ bắt nguồn từ Trần Bốc, nhưng nhiều học giả khác nghĩ là môn võ chỉ xuất phát từ Trần Vương Đình (Chen Wangting)...

Trần Vương Đình (1600-1680), thế hệ thứ 9, thuộc gia đình điền chủ và gia đình ông đã biết sử dụng vài môn binh khí.

Quyển "Trần thị gia phổ" (Chenshi Jia Pu) có ghi lại: "Ông sinh vào cuối triều đại nhà Minh (Ming), đầu triều đại nhà Thanh (Qing), danh tiếng tại tỉnh Sơn Đông (Shandong), đánh đuổi quân cướp, và là người đầu tiên đem vào gia đình ông môn quyền, đao và thương, ông thường sử dụng cây đại đao (Dadao)".

Theo "Hoài Thanh huyện chí" (Huaiqingxian Zhi), "Ôn huyện chí" (Wenxian Zhi), và "An Bình huyện chí" (Anpingxian Zhi), vào 1641, Trần Vương Bình chỉ huy dân quân của huyện Ôn. Những tài liệu này dẫn chứng là Trần Vương Bình phải biết chút ít võ thuật.

Theo gia đình họ Trần, môn võ này chỉ truyền trong gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trước thế hệ 14 vào thế kỷ thứ 18, theo "Trần thị quyền giới phổ" (Chenshi Quan Xie Pu), còn lưu lại Trần Gia Câu, môn Thái cực quyền thời đó gồm có: Đầu sáo quyền (Toutaoquan), còn được gọi Thập tam thức (Shisan Shi); Nhị sáo quyền (Ertaoquan); Tam sáo quyền (Santaoquan) còn được gọi là Đại tứ sáo truỳ (Dasitaochui); Tứ sáo quyền (Sitaoquan) còn được gọi là Hồng quyền (Hongquan), hay Thái tổ hạ nam đường (Tauzu Xia Nantang); Ngũ sáo quyền (Wutao quan); Trường quyền (Chang quan) còn được gọi là Nhất bách linh bát thức (Yibailingba Shi); Pháo truỳ (Paochui); Đoản đả (Duanda); Tán thủ (Sanshou); Kiều thủ (Jishou); Lược thủ (Lueshou); Sử thủ (Shushou), Tam thập lục cổn diệt (Sanshiliu Gunyue); Kim cang thập bát noa pháp (Jingang Shiba Nafa); Đơn đao (Dandao); Song đao (Shuangdao); Song kiếm (Shuangjian); Song giản (Shangjian); Bát thương (Baqiang); Bát thương đối thích pháp (Baqiang Dui Cifa); Thập tam thương (Shisanqiang); Hoàn hậu Trương Dực Đức tứ thương (Huan Hou Zhang Tesi qiang); Nhị thập tứ thương (Ershisiqiang Lianfa); Bàng là bảng (Panluobang) Xuân thu đao (Chungqiuđao); Bàng la bảng luyện pháp (Panluobang Lianfa);Tuyền phong côn (Xuanfenggun); Đại chiến phác liêm (Dazhan polian).

Đến thế hệ thứ 14 vào thế kỷ thứ 19, môn võ gia truyền của gia đình họ Trần được chia thành hai nhánh chính. Một chỉ nhánh xuất từ Trần Sở Nhạc (Chen Suoyue); truyền bởi Trần Hữu Bản (Chen Youben) và Trần Hữu Hằng (Chen Suoyue); và một chi nhánh khác xuất từ Trần Trường Hưng (Chen Changxing). Từ ba đại võ sư của thế kỷ thứ 19 này, phát sinh ra hai chi nhánh còn lưu truyền hiện nay, chi nhánh Tiểu giá (Xiaojia) và Đại giá (Dajia). Theo truyền thuyết, ba quyền sư này đã tóm gọn lại quyền giá, từ bảy bài quyền xưa lúc đó chỉ còn lại hai bài: Đệ nhất lộ (Diyliu) và Pháo Truỳ.

Trần Trường Hưng thời đó có dạy ngoài gia đình: hai học trò được biết nhất là Dương Lộ Thiền (Yang Luchan) và Lý Bá Khôi (Li Bokui), Dương Lộ Thiền là người thành lập chi phái Dương gia phái Thái cực quyền. Từ chi nhánh Tiểu Gía phát xuất chi nhánh Triệu Bảo Gía của Trần Thanh Bình (Chen Qing Ping) (1795-1868). Còn chi nhánh Đại Gía vào thế kỷ thứ 20 chia ra hai chi phái: Bảo Gía của Trần Chiếu Phi (Chen Zhaopi) (1893-1972) và Tân Gía của Trần Phát Khoa (Chen Fake) (1887-1957).

Môn Trần gia Thái Cực quyền được biết ngoài gia đình họ Trần nhờ công của:

- Trần Phát Khoa (Chen FaKe) và con là Trần Chiều Khuê (Chen Zhaokui) (1928-1981), thuộc Tân Gía.

- Trần Chiếu Phi (Chen Zhao Fei) thuộc Lão Gía.

- Trần Tử Minh (Chen Ziming) (?-1951) thuộc Tiểu Gía.

Chương trình hiện nay của chi pháo Lão Gía Trần Gia Thái Cực quyền bao gồm:

Thái cực quyền đệ nhất lộ (Taijiquan diyilu); Thái cực quyền đệ nhị lộ hay Pháo Truỳ; Ngũ chủng Thôi thủ (Wushongtuishou); Thái cực đơn kiếm (Taijidandao); Thái cực thương (Taijqiang); Thái cực thập tam can (Taijishisangan); Trần thị Xuân thu đại đao (Chenshi Chungqiudadao) Thái cực song kiếm (Taijishuangjian); Thái cực song đao (Taijishuangdao); Thái cực tam can, bát can đối luyện (Taijisang Bagan duilian);Thái cực sao can đối luyện (Taijishaogan duilian);...

Hiện nay, có năm chi phái Thái cực quyền thịnh hành nhất là:

- Chi phái Trần (Chen) từ Trần Vương Đình (1600-1680),

- Chi phái Dương (Yang) từ Dương Lộ Thiền (1799-1872)

- Chi phái Ngô (Wu) từ Ngô Giám Tuyền (Wu Jianquan) (1870-1942), học trò đời thứ hai của Dương Lộ Thiền.

- Chi phái Võ (Wu) từ Võ Tương (Wu Yuxiang) (1812-1880), học trò của Dương Lộ Thiền và Trần Thanh Bình (thế hệ thứ 15 của gia đình họ Trần, 1795-1868) và

- Chi phái Tôn (Sun) từ Tôn Lộc Đường (Sun Lutang) (1861-1932), học trò đời thứ hai của Võ Vũ Tương.

Những chi phái Dương, Ngô, Võ và Tôn chỉ dạy một bài quyền, và sau đó môn Thôi thủ (Tuishou). Chi phái Trần có dạy thêm một bài thứ nhì, bài Pháo Truỳ, bổ túc bài thứ nhất.

Riêng tại Việt Nam có môn Triệu Gia Thái Cực Chưởng (Zhaojia Taiji Zhang), do Triệu Trúc Khê (Zhao Zhuxi) (1898-1991), thuộc Thái cực đường lang quyền (Taiji Tanglang quan), sáng tác vào thập niên 1950 tại Việt Nam.

Chương trình của môn này gồm có:

- Thái Cực quyền gồm 24 thức (là bài Giản hoá Dương Gia Thái cực quyền sáng tác vào thập niên 1950 tại Trung Quốc dưới sự chỉ định của Quốc Gia Thể Uỷ)

- Đơn vãn thôi thủ (Danwantuishou)

- Thái cực chưởng (Taijizhang)

- Thái cực kiếm (Taijijian)

- Thái cực đao (Taijidao)

Nhiều môn khác cùng mang tên Thái cực quyền là:

- Hoà Gia Thái cực quyền (Hijia Taiji Quan) lập bởi Hoà Triệu Nguyên (HeZhaoyuan) (1810-1890), đệ tử của Trần Thanh Bình.

- Lý Gia Thái cực quyền (Lijia Taiji Quan) lập bởi Lý Thụy Đông (Li Ruidong), đệ tử đời thứ hai của Dương Lộ Thiền, vào cuối thế kỷ thứ 19, môn này còn được gọi là Ngũ Tinh Thái Cực quyền (Wuxing Taiji quan) hay Ngũ Tinh Truỳ (Wuxing Chui).

- Lý Gia Thái cực quyền (Lijia Taiji Quan) truyền bởi Lý Anh Ngang (Li Yingang) (thế kỷ thứ 20)

- Nhạc Gia Thái Cực quyền (Yuejia Taiji Quan) thành lập vào đầu thế kỷ thứ 20

- Phó Gia Thái Cực quyền (Fujia Taiji Quan) lập bởi Phó Chấn Tung (Fu Zhensong) (1881-1953)

- Tam Hợp Nhất Thái cực quyền (Sanheyi Taiji Quan) lập bởi Trương Kính Chi (Zhang Jingshi), đệ tử đời thứ tư của Trần Thanh Bình

- Thiếu Lâm Tổng Hợp Thái cực quyền (Shaolin Zonghe Taiji Quan) truyền bỏi nhà sư Như Tỉnh (Ru Jing) vào thế kỷ thứ 19.

- Thường gia Thái cực quyền (Channgjia Taiji Quan) lập bởi Thường Đông Thăng (Chang Dongshing) (1909-1986), một danh sư môn Suất Giao, với biệt danh là Hoa Hồ Điệp (Huahudie)

- Triệu Bảo Gía Thái Cực quyền (Zhaobaojia Taiji Quan) lập bởi Trần Thanh Bình

- Trịnh Gia Thái Cực quyền (Zhengjia Taiji Quan) lập bởi Trịnh Mãn Thanh (Zheng Manqing) (1901-1975)

- Trương Gia Thái Cực quyền (Zhangjia Taiji quan) truyền bởi Vạn Lai Thanh (Wan Laisheng) (1903-1992)

-Võ Đang Thái Cực quyền (Wudang Taiji Quan), còn được gọi là Do Long Phái (Youlong Pai) hay Long Hành Thái Cực quyền (Longxing Taiji Quan), mới sáng tác, sau này trên tiêu chuẩn của Dương Gia Thái Cực quyền hiện dạy trên núi Võ Đang...

(LT)

0 nhận xét: (+add yours?)

Đăng nhận xét