Chuyện bảo vệ chính khách: Vệ sĩ Bắc Kinh



Lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bảo vệ cho các lãnh đạo Trung Quốc là cả một thế giới kỳ bí.


Cục Cảnh vệ Trung ương Trung Quốc (CGB) phụ trách các vấn đề an ninh cho giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng như bảo vệ các cơ sở của đảng và nhà nước nước này, đặc biệt là khu Trung Nam Hải ở Bắc Kinh. Lâu nay, việc tìm hiểu về lực lượng Cảnh vệ trung ương Trung Quốc luôn là một thách đố cam go chẳng khác gì đột nhập qua các vành đai bảo vệ mà họ thiết lập nên. Các nguy cơ an ninh đối với giới lãnh đạo Trung Quốc cũng hầu như không được công bố. Điều này rất khác với Mỹ. Lực lượng Mật vụ đảm trách an ninh cho giới lãnh đạo Washington thường không quá bí hiểm để tìm hiểu. Các nguy cơ an ninh đối với lãnh đạo Mỹ cũng thường được loan đi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lịch sử thăng trầm

Theo sử liệu, khởi nguồn của CGB ngày nay là Ban Cảnh vệ của Đảng Cộng sản TQ được thành lập vào năm 1947, phụ trách công tác bảo vệ an ninh cho nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông cũng như một số nhân vật cấp cao khác. Đến tháng 3.1953, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định cải tổ hệ thống an ninh của đảng và chính phủ theo mô hình Liên bang Xô Viết. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của Cục 9, tương tự như Cục 9 của KGB bên Liên Xô. Cùng lúc, Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương với nhiệm vụ bảo vệ trụ sở đảng và chính phủ ra đời. Cả hai cơ quan này ban đầu trực thuộc Bộ Công an.

Cục 9 của Trung Quốc đảm trách an ninh cho các nhân vật cấp cao như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức. Đảm bảo an ninh cho các nhân vật thấp hơn là nhiệm vụ của Cục 8, cũng trực thuộc Bộ Công an. Đến tháng 4.1964, hai cơ quan này được sáp nhập và trở thành một Cục 9 mới, nhưng đến năm 1969 thì bị giải thể. Sau đó, Văn phòng Cảnh vệ Trung ương được thành lập trực thuộc Quân giải phóng nhân dân, đặc trách nhiệm vụ bảo vệ ông Mao và các vị trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng.

Trong các sự kiện lịch sử như Cách mạng văn hóa và vụ lật đổ "Bè lũ bốn tên" vào năm 1976, Văn phòng Cảnh vệ Trung ương đều đóng những vai trò chủ chốt. Sau khi quyền lực của "Bè lũ bốn tên" bị xóa sổ, văn phòng này đã được nâng cấp thành Cục Cảnh vệ Trung ương vào năm 1977, và bộ phận bảo vệ cơ quan trung ương được nâng cấp thành Sư đoàn Cảnh vệ Trung ương, với lực lượng khoảng 8.000 người được tổ chức thành 7 đại đội. Đến năm 1982, Sư đoàn Cảnh vệ Trung ương lại được chuyển thành Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương.

Vệ sĩ Trung Quốc tập luyện - Ảnh: Defencetalk.com
Vệ sĩ Trung Quốc tập luyện - Ảnh: Defencetalk.com

Trong lịch sử, CGB đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân suốt những giai đoạn an ninh trong và ngoài nước Trung Quốc có nhiều biến động. Đặc biệt là trong các thập niên 1960, 1970, 1980, khi bên ngoài là sự đối đầu giữa Trung Quốc với nhiều nước khác, bên trong là sự phức tạp về quyền lực giữa các lãnh đạo cấp cao. Điều đó đã đặt lên vai CGB những trách nhiệm nặng nề và nhiệm vụ của lực lượng này cũng được "điều chỉnh" cho phù hợp với tình hình và với đòi hỏi cụ thể của thượng cấp. Nhiều lúc CGB không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.

Ngày nay, CGB là một cơ quan độc lập thuộc quân đội, còn có tên khác là Đơn vị 57003. CGB đóng ở trung tâm và vùng tây bắc Bắc Kinh nhưng lại không thuộc quân khu này mà trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Chỉ huy CGB là một thiếu tướng quân cảnh. CGB hiện phụ trách bảo vệ an ninh cho khoảng gần 10 lãnh đạo cấp cao nhất cùng gia đình của họ. Trong đó, Đại đội Vệ sĩ thuộc CGB phụ trách công tác an ninh thường trực cho các nhà lãnh đạo cấp cao mỗi lúc họ xuất hiện trước công chúng, bất kể là ở trong nước hay ngoài nước. Nhân vật được bảo vệ quan trọng nhất hiện nay là ông Hồ Cẩm Đào - Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Những nhân vật khác được CGB bảo vệ còn có Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Giả Khánh Lâm.

Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương trực thuộc CGB nhưng không đảm trách việc bảo vệ một nhân vật cụ thể. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là bảo vệ các cơ sở như khu vực Trung Nam Hải, Đại Lễ Đường Nhân Dân, lăng Mao Trạch Đông, phối hợp với bên công an.

Công tác bảo vệ

Cũng tương tự như các lực lượng bảo vệ nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới, các cận vệ của lãnh đạo Trung Quốc mặc thường phục, thường là com-lê hoặc áo choàng. Lúc ra ngoài trời, họ đeo kính đen và có hệ thống liên lạc siêu gọn. Lực lượng này được huấn luyện võ thuật và khả năng sử dụng vũ khí điêu luyện. Khống chế và bắn diệt mục tiêu, sơ tán và che chở yếu nhân, thâm nhập vào đám đông để nhận diện mối đe dọa, thu thập thông tin tình báo là những kỹ năng được đặc biệt coi trọng. Các loại vũ khí đặc dụng bao gồm súng cỡ nhỏ, vũ khí lạnh, vũ khí không giết người, áo giáp và các loại súng hỏa lực mạnh. Mỗi lần lãnh đạo Trung Quốc ra nước ngoài, đội ngũ an ninh đi theo khoảng chừng 40 người. Họ đảm trách công tác an ninh vòng trong và phối hợp với lực lượng nước sở tại ở một số khâu khác. Lực lượng này chủ yếu là nam, nhưng cũng có không ít nữ.

Để đảm bảo an ninh, các lãnh đạo trên thế giới thường xuyên đổi lịch trình và lộ trình vào giờ chót một cách bất ngờ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin báo chí từng chứng kiến các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc thì phần lớn lịch trình và lộ trình của các yếu nhân Bắc Kinh đều khá cố định. Công tác bảo vệ được thực hiện theo một lập trình ít khi thay đổi.

Trong các chuyến công cán nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc, đội ngũ an ninh thường mang theo thực phẩm và các công cụ làm bếp để chuẩn bị món ăn. Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được triển khai một cách chặt chẽ. Thông thường, có một đội chuyên gia hóa thực phẩm phụ trách khâu này. Ở trong khách sạn, thường thì đoàn Trung Quốc sẽ "trưng dụng" một nhà hàng.

Chủ tịch nước Trung Quốc hiện thường di chuyển bằng một chiếc BMW 7 series và một chiếc Mercedes-Benz S Class. Những chiếc chuyên xa này đều được thiết kế vỏ chống đạn đặc biệt cũng như những hệ thống an ninh tối tân khác mà một chiếc xe thông thường cùng loại không thể có. Trong những dịp đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc sử dụng một chiếc chuyên xa Hồng Kỳ, tương tự như chiếc Cadillac One của Tổng thống Mỹ.

Cũng như lãnh đạo các quốc gia khác, lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên đối mặt với những nguy cơ an ninh nghiêm trọng. Nguy cơ này có thể đến từ lực lượng của chính phủ nước ngoài, các tổ chức chống đối trong và ngoài nước. Mới đây, một sự cố an ninh đã xảy ra trong chuyến công du đến Anh của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Khi ông đang phát biểu tại Đại học Cambridge thì một sinh viên đã ném giày lên sân khấu. Lực lượng cận vệ Trung Quốc cùng các nhân viên an ninh bản địa đã nhanh chóng khống chế được thủ phạm. Vụ việc này đã không đi xa hơn vì thủ phạm chỉ là một sinh viên.

Lực lượng cận vệ của CGB được đào tạo thiện chiến, nhưng nói chung trong lịch sử, họ ít khi phải động thủ một cách trực tiếp như các đồng nghiệp ở Washington trong các vụ ám sát hoặc tấn công bạo lực nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ. Phần lớn các âm mưu đều được người Trung Quốc hóa giải từ xa. Hãng tin CNA hồi tháng 10 dẫn hồ sơ giải mật tại Trung Quốc cho hay ông Đặng Tiểu Bình từng đối mặt với ít nhất 7 âm mưu ám sát, trong đó có những vụ xả súng vào tư dinh. Tuy nhiên, phần lớn những sự kiện đó xảy ra trong giai đoạn cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, là trong thời gian ông Đặng bị mất quyền lực, nên về lý thuyết thì không nằm trong phạm vi trách nhiệm của CGB.

Châu Minh Linh

0 nhận xét: (+add yours?)

Đăng nhận xét